AFTA giết chết ngành nông nghiệp Philipines trong năm 2015

Thượng nghị sĩ Ejercito, chủ tịch Ủy ban Thượng viện về các vấn đề kinh tế Philippines, lo ngại rằng ngành nông nghiệp của nước này sẽ bị tàn phá khi Hiệp định thương mại tự do giữa các nước ASEAN (AFTA) được thực thi vào năm 2015, trong đó giao ước dỡ bỏ toàn bộ thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp giữa 10 nước thành viên ASEAN.

Thượng nghị sĩ Ejercito, chủ tịch Ủy ban Thượng viện về các vấn đề kinh tế Philippines, lo ngại rằng ngành nông nghiệp của nước này sẽ bị tàn phá khi Hiệp định thương mại tự do giữa các nước ASEAN (AFTA) được thực thi vào năm 2015, trong đó giao ước dỡ bỏ toàn bộ thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp giữa 10 nước thành viên ASEAN.

Ejercito cho biết ông sẽ tìm cách đình chỉ việc thực thi AFTA vì nông dân Philippines không thể cạnh tranh về giá các sản phẩm nông nghiệp như gạo và đường từ các nước ASEAN như Thái Lan và Việt Nam. Các sản phẩm này sẽ tràn ngập thị trường nội địa Philippines khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ.


Tương tự như EU

ASEAN được thành lập vào năm 1967 bởi Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore, Brunei tham gia sau đó vào năm 1980 (còn gọi là ASEAN- 6), và trong những năm 1990, Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam cũng gia nhập. Có thể nhận thấy rằng một khu vực có nền kinh tế hội nhập tương tự như Liên minh châu Âu (EU) sẽ giúp mở rộng thị trường và cơ hội kinh doanh cho các nước thành viên. Kế hoạch liên quan đến việc tự do hóa thương mại và hàng hoá thông qua việc giảm và xóa bỏ thuế quan theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN năm 1992 (AFTA). Kế hoạch nhằm đưa mức thuế quan về 0 cho tất cả các sản phẩm thuộc các quốc gia ASEAN – 6 trong năm 2010, và 4 quốc gia còn lại trong ASEAN vào năm 2015.

Ejercito cho biết những tỉnh sản xuất đường của Philippines sẽ bị ảnh hưởng bởi sự xâm nhập của đường Thái Lan vốn rẻ hơn nhiều so với đường Philippine. Trong khi đó,  Thái Lan cũng đang trợ cấp cho nông nghiệp nước mình.

Trợ cấp cho nông nghiệp

Trái với các cam kết thương mại tự do Philippines đã ký kết, Ejercito hiện đề nghị trợ cấp cho nông nghiệp.
Ông nói rằng đã có những thảo luận bước đầu về vấn đề trong Ủy ban Thượng viện, nơi sẽ xuất vốn trợ cấp cho nông nghiệp nếu được phép, và ông đề xuất sử dụng phần ngân sách dành cho chương trình chuyển giao tiền mặt có điều kiện (CCT), một chương trình của chính phủ trong đó trợ cấp tiền hàng tháng cho các gia đình nghèo nhằm thúc đẩy giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em. Chính quyền Aquino đã lập ngân sách CCT có trị giá ban đầu là 20 tỷ Peso, rồi tăng lên 39 tỷ Peso, và hiện tại đang cố định ở mức 60 tỷ Peso. “25% ngân sách CCT có thể dành cho trợ cấp phân bón, nâng cấp cơ sở sau thu hoạch, hiện đại hóa và cơ giới hóa hệ thống trang trại", Ejercito nói.

Không hài lòng

Ejercito đã nhiều lần hỏi Bộ trưởng Nông nghiệp Proceso Alcala về việc chuẩn bị của chính phủ cho việc thi hành AFTA trong buổi điều trần ngân sách Ủy Ban và trong nhiều dịp khác, nhưng không nhận được câu trả lời hài lòng.

Ông cho rằng chính phủ phải hành động cấp bách và phải đưa ra một thời hạn. Ejercito cho biết ông đã nộp dự thảo luật mới cho ngành mía đường nhằm hiện đại hóa các nhà máy đường đã lỗi thời của Philippines – hầu hết các nhà máy này đều đã 50 tuổi, do đó khiến chi phí sản xuất tăng cao.

"Tôi sẽ thúc đẩy yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới nới rộng thời gian trì hoãn việc thi hành AFTA, đặc biệt là đường và gạo. Philippines cần điều này vì ngành nông nghiệp của chúng tôi không được chuẩn bị cho sự xâm nhập của các sản phẩm giá rẻ từ Thái Lan, Việt Nam và Campuchia ", ông nói.

(Theo http://newsinfo.inquirer.net - TV)