Cây cao su vùng Miền núi phía Bắc: Phát triển theo chiều sâu

Tại Hội nghị sơ kết công tác 9 tháng đầu năm, tổng kết công tác trồng mới năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 các công ty cổ phần cao su khu vực MNPB, do Tập đoàn cao su Việt Nam tổ chức tại Yên Bái, ngày 22/10, Phó TGĐ Nguyễn Hồng Phú đề nghị các công ty tập trung quyết liệt thực hiện những giải pháp quản lý kỹ thuật trọng tâm để nâng cao chất lượng vườn cây và quản lý đầu tư.

Phó TGĐ VRG Nguyễn Hồng Phú – Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển cao su Tập đoàn tại khu vực miền núi phía Bắc (MNPB) đã chỉ đạo những giải pháp quản lý kỹ thuật trọng tâm để khắc phục những tồn tại về chất lượng vườn cây và quản lý đầu tư.

Tại Hội nghị sơ kết công tác 9 tháng đầu năm, tổng kết công tác trồng mới năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 các công ty cổ phần cao su khu vực MNPB, do VRG tổ chức tại Yên Bái, ngày 22/10, Phó TGĐ Nguyễn Hồng Phú đề nghị các công ty tập trung quyết liệt thực hiện những giải pháp quản lý kỹ thuật trọng tâm để nâng cao chất lượng vườn cây và quản lý đầu tư.

Đối với diện tích cây cao su sinh trưởng kém, bị rét hại, bị bệnh, tỷ lệ cây hiện hữu thấp, vườn cây không đồng đều, phải kiểm kê chi tiết, chuẩn xác, phân loại chất lượng, xác định nguyên nhân, đề xuất biện pháp xử lý thích hợp và hiệu quả; áp dụng các biện pháp chăm sóc thích hợp và quản lý chặt chẽ để củng cố nâng cấp chất lượng vườn cây.

Các công ty tập trung phát triển theo chiều sâu, với quy mô hợp lý, phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu của từng khu vực và kết quả quản lý điều hành của đơn vị. Trước mắt, tập trung nguồn lực củng cố, cải thiện, nâng cấp chất lượng vườn cây về sinh trưởng, mật độ, độ đồng đều…, kiên quyết không chạy theo số lượng và quy mô diện tích, chất lượng vườn cây trồng mới phải đạt và vượt tiêu chuẩn; không trồng mới ở những diện tích nhỏ lẻ, manh mún, vượt quy trình, độ dốc; không tự ý thay đổi địa điểm trồng cao su khác với thỏa thuận của Tập đoàn.

Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật và những chỉ đạo của Tập đoàn về quy hoạch chọn đất trồng mới; chọn cơ cấu giống cao su trồng mới thích hợp; sử dụng cây con chất lượng cao có tầng lá đạt tiêu chuẩn; trồng sớm trong thời vụ cho phép, không trồng trễ vụ; chọn lựa chủng loại phân bón thích hợp, bón phân đúng kỹ thuật, quản lý sử dụng phân bón hiệu quả; kiểm soát cỏ dại kịp thời để không cạnh tranh với cây cao su, kịp thời phát hiện và phòng trị hiệu quả dịch bệnh hại trên cây cao su; tổ chức tham quan học tập các mô hình vườn cây tốt; xây dựng mô hình vườn cây chất lượng cao để đúc kết kinh nghiệm và nhân rộng; kiểm kê, quản lý chính xác dữ liệu về diện tích, chất lượng vườn cây.

Tăng cường quản lý suất đầu tư theo các quyết định của Tập đoàn, tiết giảm chi phí đầu tư hợp lý, đảm bảo hiệu quả của dự án. Chủ động tiết giảm, hạn chế đầu tư các công trình xây dựng cơ bản chưa thật sự cần thiết, ưu tiên tập trung nguồn vốn đầu tư cho các hạng mục nông nghiệp, nhà máy với chi phí tiết kiệm, không vượt suất đầu tư mới ban hành. Tiến hành rà soát tổng mức đầu tư các dự án để có sự điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế và tích cực làm việc với ngân hàng để tiếp cận nguồn vốn vay phục vụ các nhu cầu đầu tư trong giai đoạn tiếp theo; tranh thủ lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương.

Xây dựng bộ máy tổ chức gọn nhẹ phù hợp quy mô diện tích quản lý; căn cứ vào tình hình thực tế để tuyển dụng, quản lý và sử dụng lao động có hiệu quả, đúng quy định; xây dựng quy chế tuyển dụng lao động, quy chế trả lương, thù lao và tiền thưởng cho người lao động trình lãnh đạo Tập đoàn phê duyệt trước khi thực hiện. Xây dựng lại định mức kinh tế kỹ thuật cho phù hợp với điều kiện đặc thù của đơn vị; hạn chế việc điều tiết quỹ lương giữa các khu vực; khắc phục tình trạng không cân đối về thu nhập giữa lao động trực tiếp và gián tiếp…

(Theo tạp chí cộng sản Việt Nam)