Điểm yếu cốt tử của hàng nông sản Việt Nam là chất lượng

Đó là đánh giá của TS. Nguyễn Đình Bích, chuyên gia kinh tế về thực trạng gạo của Việt Nam hiện nay ...

"Điểm yếu cốt tử của hàng nông sản Việt Nam là chất lượng. Chúng ta xuất khẩu gạo 20 năm nay nhưng gạo vẫn chưa có thương hiệu, không kiểm soát được dư lượng, không truy xuất được nguồn gốc và gạo không thuần loại, vì thế giá gạo còn rất khiêm tốn".

Đó là đánh giá của TS. Nguyễn Đình Bích, chuyên gia kinh tế về thực trạng của gạo của Việt Nam hiện nay trước mục tiêu phát triển gạo Việt thành thương hiệu hàng đầu thế giới.

TS. Robert Zeigler, Tổng giám đốc  Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) cũng cho rằng: Chất lượng gạo của Việt Nam còn chưa cao, giá gạo của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước xuất khẩu gạo khác và người nông dân vẫn rất nghèo đói.

“Giống lúa và chế biến sau thu hoạch là hai trong số các khâu yếu nhất của ngành lúa gạo Việt Nam. Để cải thiện chất lượng lúa gạo Việt Nam, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng và cải thiện thu nhập của người nông dân, Việt Nam cần thay đổi cách chọn tạo giống để tập trung vào các giống lúa chất lượng cao hơn. Đồng thời, cũng cần cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, thay vì xuất khẩu cho nhiều nước với giá rẻ thì nên có những thị trường tập trung với giá cao hơn và để làm được điều này thì cần đầu tư mạnh mẽ cho khâu chế biến sâu sau thu hoạch", TS. Robert Zeigler đánh giá.

Việt Nam sẽ xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu tầm quốc tế (Ảnh minh họa)
 
Theo Đề án Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc xây dựng thương hiệu gạo sẽ tập trung vào lựa chọn phân khúc thị trường gạo chất lượng cao và đặc sản cho xuất khẩu nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị của sản phẩm trên các thị trường có yêu cầu chất lượng cao như: Mỹ, Nhật Bản, EU,...

Đồng thời, sẽ duy trì và giữ vững sự ổn định tại các thị trường truyền thống với các sản phẩm gạo cấp trung bình (gạo trắng, gạo hạt dài), nâng cao giá trị bằng các kênh phân phối trực tiếp, củng cố và duy trì sự tin tưởng của người tiêu dùng.

Trong quá trình này doanh nghiệp đóng vai trò chủ chốt trong xây dựng, sử dụng và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam thông qua xây dựng, phát triển thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm gạo để tổ chức, quản trị sản xuất, chế biến, phát triển thị trường, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, cần tăng cường ứng dụng về phổ biến về công nghệ hỗ trợ trong sản xuất, chế biến, bảo quản và đóng gói sản phẩm gạo, nâng cao khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm gạo. Đồng thời nghiên cứu, đầu tư, xây dựng phòng kiểm định chất lượng gạo đạt tiêu chuẩn quốc tế; rà soát chương trình khoa học công nghệ, ưu tiên lĩnh vực sáng chế về lĩnh vực bảo quản sau thu hoạch, chế biến cho các doanh nghiệp sử dụng thương hiệu gạo Việt Nam; thúc đẩy áp dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản phẩm gạo...

Theo dantri.com.vn