Giá đường có thể phục hồi

Ông Hà Hữu Phái, chuyên gia ngành mía đường, cho hay giá đường thế giới đang ở đáy của hình sin và đang có xu hướng tăng lên. Chính vì vậy, giá đường trong nước cũng như giá mía mà nhà máy mua từ người dân có thể cũng sẽ tăng trong thời gian tới.

Ông Hà Hữu Phái, chuyên gia ngành mía đường, cho hay giá đường thế giới đang ở đáy của hình sin và đang có xu hướng tăng lên. Chính vì vậy, giá đường trong nước cũng như giá mía mà nhà máy mua từ người dân có thể cũng sẽ tăng trong thời gian tới.

Giá đường có thể phục hồi trong thời gian tới

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online  về tình trạng nông dân bỏ mía thời gian gần đây, ông Hà Hữu Phái cho hay, với xu hướng giá đường ngày càng đi xuống, các doanh nghiệp đã cố gắng giữ giá thu mua mía ở mức cao nhưng không giữ được. Năm 2013 -2014, giá thu mua mía đã giảm khoảng 100.000 đồng/tấn so với 2012 -2013.

Tuy nhiên, dù giảm nhưng các nhà máy đường vẫn giữ được mức giá cao hơn so với khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT), tức một tấn mía tại ruộng có giá bán tương đương 60kg đường tại kho trước thuế.

Hiện giá bán tại nhà máy khoảng 10.000 đồng/kg thì giá mua mía chỉ vào khoảng 600.000 đồng/tấn. Nhưng hiện tại giá thu mua mía hiện đều trên 800.000 đồng/ tấn.

Một số nơi xảy ra tình trạng chặt, đốt mía để chuyển đổi mục đích sử dụng chủ yếu là những trường hợp nhỏ lẻ và ở những nơi người dân và doanh nghiệp không có hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Còn những doanh nghiệp lớn như Lam Sơn, Nước Trong…họ vẫn thu mua mía từ 800.000 đến 900.000 đồng/tấn.

Thực tế, doanh nghiệp khó khăn thì nông dân cũng không thể có được mức giá thu mua mía tốt. Theo khảo sát của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tỷ suất lợi nhuận trên giá thành sản xuất mía mấy vụ qua giảm: từ vụ 2011-2012 đến vụ 2012-2013 giảm từ 50,4% xuống 33,4%; ở Đông Nam Bộ và ở Đồng bằng sông Cửu Long giảm từ 36,5% xuống 24%.

Còn vụ 2013-2014 thì hiện chưa có số liệu khảo sát nhưng có thể hình dung chi phí đầu vào tiếp tục tăng nhưng giá bán mía lại giảm thì tỷ suất lợi nhuận trên giá thành sản xuất mía càng thấp nữa và tình trạng nông dân ở một số nơi không còn mặn mà với cây mía cũng là điều dễ hiểu.

Song, ông Phái cho hay, giá đường thế giới có thể sẽ tăng. “Chu kỳ sản xuất đường của thế giới khoảng 5 năm. Hiện nay, giá đường thế giới đang ở đáy hình sin và đang có xu hướng tăng lên” – ông Phái nói.

Mấy năm trước, Tổ chức đường thế giới (ISO) dự báo cung đường thừa so với nhu cầu là 10 triệu tấn, sau đó giảm xuống hơn 4 triệu tấn vào niên vụ 2012-2013. Niên vụ này, ISO dự báo cung cầu về đường cân bằng. Song, giá đường hiện nay vẫn thấp là vì tồn kho trong lưu thông vẫn còn lớn và vẫn có độ trễ tăng giá.

Bên cạnh đó, ông Phái cho hay, cần phải nhìn nhận, trong bối cảnh giá dầu đang giảm mạnh gần 30%, giá đường trắng London giao kỳ hạn tăng từ 400 đô la Mỹ/tấn tháng 9 lên 420 đô la Mỹ/tấn trong tháng 11 này là một dấu hiệu cho thấy sự phục hồi của ngành đường.

(Theo Vietstock)