Lào Cai: Nét mới trong nghề trồng măng của bà con Văn Bàn

Từ lâu nguồn thu nhập chính của người dân Văn Bàn (Lào Cai) là từ sản xuất nông nghiệp và khai thác tài nguyên thiên nhiên rừng. Trong đó, ngoài các loại cây lâm sản ngoài gỗ như thảo quả, sa nhân, hạt dé…, thì phải kể đến nguồn măng – một loại thực phẩm sạch, sẵn có, dễ sử dụng, được nhiều người ưa dùng.

Từ lâu nguồn thu nhập chính của người dân Văn Bàn (Lào Cai) là từ sản xuất nông nghiệp và khai thác tài nguyên thiên nhiên rừng. Trong đó, ngoài các loại cây lâm sản ngoài gỗ như thảo quả, sa nhân, hạt dé…, thì phải kể đến nguồn măng – một loại thực phẩm sạch, sẵn có, dễ sử dụng, được nhiều người ưa dùng.

Các loại măng của Văn Bàn rất phong phú, mùa nào măng ấy: mùa măng Vầu kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau (tính theo Âm lịch), gối tiếp mùa măng Vầu là mùa măng Sặt - bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng 5, hết mùa măng Sặt là đến mùa măng Mai, măng Tre, măng Nứa...kéo dài đến hết tháng 9.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây do nhiều nguyên nhân, như việc khai thác nguyên liệu làm giấy, dân số tăng lên kéo theo nhu cầu sử dụng nhiều hơn, đặc biệt là cách đây 3 năm cây Nứa bị khuy chết gần hết, đã làm cho nguồn măng của địa phương ngày một khan hiếm. Để đảm bảo cho người dân có thu nhập ổn định và lâu dài từ cây măng, đồng thời bảo vệ tốt rừng cũng như môi trường sinh thái, Văn Bàn đã có nhiều cách làm hay.

Với chính sách giao đất giao rừng của Nhà nước, hệ thống khuyến nông cơ sở đã tham mưu cho UBND các xã chỉ đạo nhân dân ở các thôn, bản xây dựng quy ước bảo vệ rừng, gắn quyền và lợi ích của nhân dân với rừng, liên kết giữa các nhóm hộ trong việc thu hoạch tiêu thụ măng, từ đó đã khắc phục được tình trạng hom khai thác quá nhiều không tiêu thụ được phải bỏ đi hoặc hom khai thác quá ít không đáp ứng được nhu cầu thị trường. Hiện nay, ở Văn Bàn đã hình thành vùng măng Vầu hàng hóa tại các xã như, xã Thẩm Dương Quỳ, xã Nậm Xây.

Đối với vùng măng Sặt ở các xã Hòa Mạc, Dần Thàng, Thẩm Dương, các hộ đã liên kết với nhau và mời cán bộ khuyến nông đến tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, tự xây dựng lịch thu hái, liên kết với các tư thương thống nhất giá cả, hợp đồng thu mua, nhờ vậy mà chất lượng, giá măng được nâng lên. Các hộ có nguồn thu nhập cao từ măng Sặt như hộ anh Trần Văn Trường, La Văn Dịch... ở thôn 2 Hòa Mạc, thu nhập 15- 20 triệu đồng/năm.

Đối với du khách chưa được thưởng thức măng Bói đặc sản của quê hương Văn Bàn thì chưa thể nói là đã đến và biết về Văn Bàn. Để có được vùng măng ngon sạch, mỗi ngày cung cấp ra thị trường vài tấn măng Bói liên tục từ tháng 3 đến tháng 10 hàng năm. Được mọi người trong và ngoài tỉnh biết đến thương hiệu măng bói là cả một quá trình.

Trước những năm 2000 người dân chủ yếu khai thác các nguồn măng tự nhiên như măng Nứa, Tre, Vầu, Sặt mà chưa chú ý đến măng Bói. Đến năm 2001, có một đoàn khách của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam lên làm việc tại Dương Quỳ - Văn Bàn. Với tình cảm là đồng đội cũ các cán bộ hội đã lên thăm nhà anh La Đức Bình (Thôn 2 xã Dương Quỳ) và được thưởng thức măng Bói, các anh có nhận xét "Đây là loại măng rất ngon, hiếm có ở địa phương khác". Từ câu chuyện đó anh Bình có suy nghĩ: “Tại sao đất vườn rừng ta có, nguồn giống măng ngon có, mà ta không mở rộng diện tích, phát triển sản xuất để tăng thu nhập cho gia đình?”. Từ suy nghĩ trăn trở ấy, anh Bình đã trực tiếp đến gặp gỡ cán bộ khuyến nông để được tư vấn kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc cây Măng bói. Từ 4-5 khóm măng Bói của gia đình, dần từng bước anh đã nhân thành công giống măng Bói vừa để mở rộng diện tích măng tại vườn nhà, vừa cung cấp giống cho đồng đội. Đến nay gia đình anh mới trồng được 50-60 khóm măng (15 kg/khóm), với giá bán 15.000 đồng/kg khóm, hàng năm anh thu từ 8-10 triệu tiền từ măng và 4-5 triệu từ bán cây giống.

Từ những thành công bước đầu, anh Bình đã chia sẻ kinh nghiệm với nhiều bà con để cùng nhau phát triển cây măng Bói thành vùng hàng hóa. Sau hơn 10 năm, đến nay đã có rất nhiều hộ giầu lên từ cây măng bói như hộ anh Hoàng Ngọc Sơi, La Tất Sinh, La Văn Quán ở xã Dương Quỳ, măng Bói đã cho họ nguồn thu nhập từ 10-15 triệu đồng/năm. Điển hình như hộ anh Phan Văn Chế - ở xã Khánh Yên Thượng, hiện nay anh đã trồng được 4.000 khóm, trong đó có 3.000 khóm đã cho thu hoạch; riêng năm 2013, nguồn thu từ măng và cây giống trong của gia đình anh đạt 300 triệu đồng.

Anh Chế cho biết: “Trồng măng vừa bảo vệ được môi trường sinh thái, giữ được nguồn nước, cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho con người, công đầu tư chăm sóc ít mà lại cho thu nhập cao. Hiện gia đình tôi chủ yếu cung cấp măng cho các đơn đặt của khách hàng, chỉ sau 30 phút điện thoại là tôi đã có 1 đến 2 tạ măng tươi, ngon đáp ứng cho khách hàng”.

Văn Bàn có gần 9 vạn dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số như: Tày, Hmông, Dao...cùng sinh sống.  Với diện tích tự nhiên 1.422 km2 , trong đó rừng tự nhiên chiếm trên 57%, đã tạo điều kiện cho đồng bào nơi đây phát triển sản xuất, đặc biệt là nghề trồng măng. Khác với trước đây, người dân Văn Bàn chỉ biết khai thác thì giờ đây họ đang chuyển dần sang phương thức trồng măng, tạo vùng sản xuất hàng hóa theo hướng bền vững.