Nên đẩy mạnh hợp tác nông nghiệp tư nhân với châu Phi và Angola

Việt Nam – châu Phi, nếu chỉ trông chờ vào hợp tác song phương chính thức giữa hai chính phủ và không tìm được giải pháp cho hợp tác với tư nhân, các cơ hội hợp tác trong nông nghiệp và cơ hội khác đi cùng nông nghiệp sẽ trôi đi.

Việt Nam – châu Phi, nếu chỉ trông chờ vào hợp tác song phương chính thức giữa hai chính phủ và không tìm được giải pháp cho hợp tác với tư nhân, các cơ hội hợp tác trong nông nghiệp và cơ hội khác đi cùng nông nghiệp sẽ trôi đi.

Tại châu Phi, lúa gạo đang trở thành lương thực phổ biến, nhất là tại các thành phố lớn. Trong khi dân sống ở nông thôn chủ yếu tiêu thụ các lương thực truyền thống như ngô, sắn, khoai, chuối các loại… Gạo đang trở thành lương thực ngày càng được yêu thích đối với tầng lớp dân cư có thu nhập khá, nhất là ở thành thị.

Tầm quan trọng của lương thực

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), châu Phi chiếm khoảng 40% lượng gạo nhập khẩu và đứng thứ ba trên thị trường thế giới về giao dịch gạo. Hàng năm, các nước châu Phi tốn trung bình khoảng 2 tỷ USD cho nhập khẩu gạo. Riêng Angola hàng năm nhập khẩu khoảng 400.000 tấn gạo, chưa kể đến các loại lương thực có thể sản xuất tại chỗ nhưng vẫn phải nhập khẩu do sản lượng thu được thấp. Mặc dù được thiên nhiên ưu đãi, với nhiều vùng đất đai màu mỡ, có nhiều sông ngòi và khí hậu thuận lợi, diện tích đất nông nghiệp chưa được đầu tư khai thác được coi là một trong những nguyên nhân dẫn tới thiếu lương thực.

Theo FAO, tính đến cuối năm 2010, châu Phi chỉ có có hơn 9 triệu ha diện tích trồng lúa nước, với sản lượng khoảng 23 triệu tấn (chiếm 3,3% sản lượng lúa toàn thế giới). Cũng theo FAO, Angola có khoảng 58 triệu ha đất nông nghiệp (chiếm hơn 46% tổng diện tích tự nhiên), nhưng chỉ có 25.000 ha được sử dụng trồng lúa nước. Nếu được đầu tư, khai thác tốt, có thể sẽ có 3,7 triệu ha phục vụ cho trồng lúa.

(Nền nông nghiệp Angola nhìn chung vẫn còn khó khăn)

Mặc dù nông nghiệp được coi là ưu tiên trong chính sách phát triển của nhiều nước châu Phi và là một lĩnh vực được nhiều nhà tài trợ quốc tế ưu tiên, nhưng thực tế những năm qua đã không diễn ra như mong muốn. Tại Hội nghị các bộ trưởng nông nghiệp châu Phi được tổ chức tại Tunisia tháng 3/2014, FAO tiếp tục khẳng định mặc dù có tiến bộ kinh tế và nông nghiệp, châu Phi tiếp tục là châu lục mất an ninh lương thực trầm trọng nhất, năng xuất nông nghiệp thấp, thu nhập nông thôn thấp và tỷ lệ suy dinh dưỡng cao nhất; tỷ lệ nghèo tuyệt đối giảm từ 56% (1990) xuống còn 49% (2010). FAO kêu gọi lãnh đạo các nước châu Phi hành động nhiều hơn và đầu tư nhiều hơn vào nông nghiệp. Nếu quan sát kỹ, có thể thấy Chính phủ nhiều nước không những không tăng mà còn giảm tỷ trọng dành cho nông nghiệp trong tổng ngân sách hàng năm.

Tiềm năng hợp tác nông nghiệp

Trong hợp tác giúp châu Phi phát triển nông nghiệp, từng bước đảm bảo an ninh lương thực, mỗi nước áp dụng một phương thức, mô hình khác nhau và mỗi mô hình đều phải đương đầu với tính bền vững. Chính phủ một số nước áp dụng phương thức hợp tác song phương cấp chính phủ, cung cấp tài trợ và chuyên gia chuyển giao kỹ thuật nhưng nhiều dự án chỉ dừng ở mức thử nghiệm, trình diễn và khi tài trợ chấm dứt, chuyên gia rút về nước thì dự án cũng dừng hoạt động và không được mở rộng. Chính phủ một số nước khác hỗ trợ thông qua các dự án của các tổ chức phi chính phủ (NGO), và thông qua cách làm của mình, các NGO chuyển giao được kỹ thuật và công nghệ, và do vậy tính bền vững của dự án cao hơn.

Từ những năm 80 tới nay, Việt Nam cũng đã thông qua mô hình dự án hợp tác ba bên với một số tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước khác trong triển khai hợp tác nông nghiệp với châu Phi. Các mô hình này được nhiều nước đánh giá cao. Tuy nhiên, việc chuyển từ giai đoạn thử nghiệm sang củng cố, mở rộng các kết quả của dự án, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân hoặc củng cố mô hình tổ chức cho nông dân….luôn gặp phải nhiều khó khăn do phụ thuộc vào nguồn tài trợ của bên thứ ba, trong khi chính phủ các nước không có nguồn ngân sách.…

Trong hợp tác với châu Phi trên các lĩnh vực nói chung và trong nông nghiệp nói riêng, cần tính đến một số đặc điểm hiện tại của châu Phi và cần có sự điều chỉnh, tìm một cách làm khác vừa phù hợp với những thế mạnh và khả năng của ta nhằm mở rộng được sự hiện diện của Việt Nam và tạo cơ hội cho các lĩnh vực hợp tác khác cũng như đáp ứng được các yêu cầu của nhà đầu tư địa phương.

Tại châu Phi nói chung và Angola nói riêng, quá trình tích tụ đất đai cũng đang diễn ra. Một số người có sở hữu diện tích đất nông nghiệp rộng lớn với danh nghĩa tư nhân hoặc danh nghĩa doanh nghiệp do họ lập ra. Bên cạnh việc sở hữu đất đai, họ còn là những người có vốn tài chính có thể tự đầu tư vào các dự án hoặc dễ dàng tìm được nguồn tín dụng ưu đãi của Chính phủ dành cho một số lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp và được giao cho các ngân hàng giải ngân (chỉ riêng tại Angola, Chính phủ có Quỹ chủ quyền trị giá 5 tỷ USD và có chương trình Angola Invest trị giá 1,5 tỷ USD, cả hai đều ưu tiên các dự án nông nghiệp, ngư nghiệp, chăn nuôi…). Khó khăn mà những người này hoặc các công ty do họ lập ra thường gặp phải là là các cơ quan chuyên trách, tư vấn địa phương chưa đủ khả năng tư vấn, hướng dẫn họ sử dụng vốn tài chính và đất đai một cách hiệu quả đồng thời họ cũng thiếu lao động có trình độ và kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp.

Một điều khác mà ít người nói ra nhưng lại được những người có hiểu biết về văn hóa và kinh doanh khẳng định là do ảnh hưởng từ nhiều năm chịu sự thâu tóm đầu tư từ châu Âu, người châu Phi chỉ quan tâm và đầu tư cho những cái gì là của mình, ít quan tâm tới những gì là của người khác hoặc của chung. Điều này cũng lý giải cho những khó khăn mà các dự án cấp chính phủ thường gặp phải trong vận hành.

Cần những điều chỉnh mới

Việt Nam được nhiều người trong số này biết đến như là một nước có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, tự túc lương thực thực phẩm và một trong những nước khẩu gạo hàng đầu thế giới. Nhiều quan chức, trong đó có cả các Bộ trưởng, Tỉnh trường đã đề nghị cung cấp chuyên gia nông nghiệp xây dựng và triển khai các dự án trang trại của cá nhân hoặc của công ty do họ làm chủ hoặc dự án nông nghiệp của địa phương. Phía Angola là chủ đầu tư và sẵn sàng chịu các chi phí từ lo giấy tờ nhập cảnh, đi lại, lương, ăn ở, đảm bảo an ninh cho chuyên gia.

Đã có trường hợp do chưa thuê được chuyên gia nông nghiệp, nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra vài chục ngàn USD thuê người viết dự án trang trại… Một số nhà đầu tư tại Equatorial Guinea cũng có các nguyện vọng tương tự. Cách đây vài năm, một giáo sư Việt Nam đã giúp một số nhà đầu tư Angola khảo sát, xây dựng dự án trồng lúa. Gần đây, công ty VCCC của Angola đã thuê chuyên gia nông nghiệp Việt Nam sang khảo sát, xây dựng dự án trồng lúa trên qui mô lớn với nguồn đầu tư bằng tín dụng từ ngân hàng.

Nếu hợp tác tư nhân trong nông nghiệp được mở ra qua cung cấp chuyên gia cho các dự án của các cá nhân hoặc công ty tư nhân hoặc của chính quyền các địa phương, cánh cửa hợp tác cho các đối tác, doanh nghiệp Việt Nam sẽ mở ra đối với các lĩnh vực khác xây dựng, khai thác gỗ, thành lập xí nghiệp chăn nuôi gia cầm, đánh bắt và chế biến hải sản… Nếu xét đến các khía cạnh tâm lý và văn hóa tại chỗ, bên cạnh các nhóm kỹ sư nông nghiệp nhỏ ở từng trang trại, chắc chắn sẽ có cơ hội đưa thêm các kỹ thuật viên, nông dân có kinh nghiệm… tham gia sản xuất tại các trang trại này, với tư cách rõ ràng và đảm bảo hơn nhiều so với số lao động ta hiện nay ở một số nước châu Phi. Đã có nhà đầu tư khẳng định khi dự án trồng lúa đi vào hoạt động, họ cần lao động Việt Nam và đề nghị Việt Nam không được đưa lao động nước châu Á khác sang…

Tại sao nhà đầu tư lại chọn đầu tư vào trang trại, sản xuất nông nghiệp một lĩnh vực đem lại lợi nhuận chắc sẽ thấp hơn các lĩnh vực đầu tư khác? Trong bối cảnh thị trường đang thiếu lương thực, thực phẩm và hiện đang phải nhập khẩu từ bên ngoài nhưng cũng đồng thời áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu những gì có thể sản xuất được trong nước; các chính sách liên quan tới vốn tín dụng, đất đai được Chính phủ Angola ưu tiên theo đúng định hướng và kế hoạch phát triển quốc gia 2013-2017…việc các nhà đầu tư đi vào lĩnh vực nông nghiệp là đúng hướng … Ngoài ra, giữ được đất đai và khai thác đất theo đúng chủ trương chung lại góp phần củng cố hình ảnh và vị trí của họ trong xã hội.

Việt Nam – châu Phi, nếu chỉ trông chờ vào hợp tác song phương chính thức giữa hai chính phủ và không tìm được giải pháp cho hợp tác với tư nhân, các cơ hội hợp tác trong nông nghiệp và cơ hội khác đi cùng nông nghiệp sẽ trôi đi. Việt Nam và các quốc gia châu Phi đã có quan hệ truyền thống từ lâu, nhưng mục tiêu hợp tác nông nghiệp giữa hai bên chưa có bước tiến gì đáng kể?

Để tận dụng các cơ hội này tại châu Phi nói chung và Angola nói riêng, đã đến lúc các cơ quan Việt Nam sớm nghiên cứu tiến tới lựa chọn và giao cho một cơ quan, tổ chức chuyên môn trong hợp tác nông nghiệp quốc tế của Việt Nam chịu trách nhiệm đầu mối tuyển chọn, giới thiệu các kỹ sư nông nghiệp cho nước châu Phi nói chung và trước mắt có thể lựa chọn Angola làm địa bàn thử nghiệm do có rất nhiều tiềm năng. Làm được như vậy, một mặt, ta sẽ củng cố được vị thế tại châu Phi và từ nông nghiệp sẽ mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khác mà không phải đầu tư tốn kém nhiều và mặt khác góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho đội ngũ cán bộ khoa học nông nghiệp, kỹ thuật viên và có thể cả nông dân có kinh nghiệm của Việt Nam.

(Theo Thế giới và Việt Nam)