Nghị định 210 - Kỳ vọng nhiều, hiệu quả rất thấp!
Mục đích tốt đẹp, tuy nhiên sau gần 4 năm có hiệu lực, Nghị định 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (Nghị định 210) gần như không tạo được hiệu quả đáng kể nào.
Mục đích tốt đẹp, tuy nhiên sau gần 4 năm có hiệu lực, Nghị định 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (Nghị định 210) gần như không tạo được hiệu quả đáng kể nào.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường và Thứ trưởng Hà Công Tuấn chủ trì hội thảo
Trước tình hình này, Bộ NN-PTNT cùng với Bộ KH-ĐT đã được Chính phủ giao lấy ý kiến để trình Chính phủ sửa đổi nghị định này trong tháng 9/2017. Nhằm có thêm đóng góp để dự thảo sửa đổi nghị định sát hơn với thực tiễn, ngay 5/9, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì hội thảo cùng đông đảo các nhà quản lí, nhà hoạch định chính sách và các DN cùng đánh giá những tồn tại, đưa ra các quan điểm, chính sách cụ thể để sớm có nghị định mới thay thế Nghị định 210.
Muốn tiếp cận, phải qua 16 bước, 40 văn bản liên quan
Đánh giá về tình hình triển khai Nghị định 210, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã thẳng thắn nhìn nhận: Mặc dù được đặt rất nhiều kỳ vọng, nhưng nghị định chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa đáp ứng những nhu cầu cấp bách của thực tiễn của quá trình triển khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp nói riêng và cơ cấu lại nền kinh tế nói chung.
Qua gần 4 năm có hiệu lực, đến nay, cả nước mới chỉ có 64 dự án tại 23 địa phương nhận được hỗ trợ từ nghị định. Tại hội thảo, nhiều ý kiến đều thống nhất chỉ ra, một trong những nguyên nhân khiến nghị định này không đi được vào cuộc sống, đó là cơ chế bố trí nguồn vốn ngân sách đảm bảo thực hiện chính sách thấp và giải ngân chậm.
Cụ thể, nghị định tập trung vào hỗ trợ trực tiếp sau đầu tư, phần lớn hỗ trợ cơ sở hạ tầng 3 - 5 tỷ đồng/dự án. Giai đoạn 2015 - 2017, ngân sách Trung ương chỉ có thể cân đối hỗ trợ 379,5 tỷ đồng cho 64 dự án tại 23 địa phương (gồm 24 dự án dự án chăn nuôi; 40 dự án chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản) với tổng mức đầu tư 6.400 tỷ đồng (tỷ lệ vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước chỉ chiếm 5,9%).
Trong khi đó về nguồn vốn ngân sách địa phương, theo báo cáo đến hết ngày 30/9/2016, các địa phương đã cam kết hỗ trợ khoảng 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều địa phương tổ chức thực hiện chậm, thiếu quyết liệt, chưa dành ngân sách để thực hiện chính sách.
Bên cạnh đó, đối tượng, điều kiện được thụ hưởng chính sách hạn hẹp khắt khe; thủ tục hành chính quá rườm rà được xem là những nguyên nhân khiến nghị định này gần như thất bại hoàn toàn.
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Tổng thư ký thay mặt Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Qua rà soát ở các địa phương, DN phải thực hiện tới khoảng 16 bước, với gồm khoảng 40 văn bản có liên quan mới triển khai được dự án đầu tư và nhận được hỗ trợ theo chính sách của Nghị định 210. Trong đó, khó khăn nhất là thủ tục hành chính (xây dựng, đất đai, môi trường, hỗ trợ đầu tư…), như xin chủ trương đầu tư, cấp phép xây dựng…, và đặc biệt là các “giấy phép con”.
Cũng theo ông Ngọc, điều kiện được thụ hưởng chính sách của nghị định khó khả thi do nhiều tiêu chí có định mức quá cao hoặc khó xác định nên DN khó tiếp cận chính sách.
Ví dụ, để dự án được hưởng ưu đãi, hỗ trợ, một trong các điều kiện là sản phẩm chế biến phải tăng giá trị 2 lần so với giá trị nguyên liệu thô ban đầu; phải sử dụng tối thiểu 60% nguyên liệu và 30% lao động địa phương…
Trên thực tế, hầu hết các dự án rất khó đạt mức tăng tỷ lệ giá trị chế biến trên 2 lần; DN phải sử dụng cả nguyên liệu của các địa phương khác và lao động tại địa phương chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu chuyên môn, tay nghề để làm việc.
Thay đổi tư duy để tránh “vết xe đổ”
Tại hội thảo, nhiều đại biểu là các DN cho rằng, quá trình sửa đổi Nghị định 210, phải thay đổi cách tư duy trong chính sách thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp để tránh lặp lại sai lầm của Nghị định 210.
Nhất là gắn được cơ chế, chính sách về vốn và đất đai để tạo hành lang pháp lí cho không chỉ DN mà còn cả các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư vào nông nghiệp.
Việc sửa đổi Nghị định 210 được kỳ vọng sẽ tiếp thêm luồng gió mới cho DN đầu tư vào nông nghiệp trong thời gian tới
Đồng tình với đề xuất của Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Khắc Hải, Tổng GĐ Tập đoàn FAN cho rằng, sở dĩ Nghị định 210 không thể đi vào cuộc sống, có nguyên nhân chính từ cách tiếp cận. Theo đó, Nhà nước chỉ nên kiến tạo nguồn lực là chính, nhất là ưu tiên về chính sách ưu đãi thuế chứ không nên đi vào hỗ trợ trực tiếp bằng ngân sách. Theo đó, việc hỗ trợ bằng tiền mặt chỉ nên thực hiện đối với các DN nhỏ, DN mới khởi nghiệp hoặc đa dạng hơn các thành phần được hưởng lợi, bao gồm cả các hộ SX chứ không chỉ mỗi DN.
“Việc hỗ trợ cho các DN nhỏ, DN khởi nghiệp cần phải hết sức đơn giản về thủ tục và điều kiện. Đối với các DN, tập đoàn đầu tư lớn, việc nhận hỗ trợ đầu tư 3 - 5 tỉ đồng như Nghị định 210 trước đây chẳng bõ bèn gì, trong khi thủ tục hành chính quá trời”, vị này nêu ý kiến.
Cũng theo ông Hải, muốn thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, chính sách đất đai phải được đi kèm khi sửa đổi Nghị định 210. Theo đó, phải có chính sách cụ thể để đẩy mạnh việc tích tụ và tập trung đất đai, nhất là tạo điều kiện “đất sạch” cho DN trên cơ sở các hình thức liên kết với nông dân và các HTX. Bên cạnh đó, phải hình thành được thị trường chuyển nhượng đất nông nghiệp và DN phải được quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, gồm cả đất lúa. Đồng thời, nên xóa bỏ hạn điền, thay vào đó, Chính phủ sẽ quy định việc thu thuế đất nông nghiệp tăng dần theo quy mô tích tụ ruộng đất.
Nguồn: Báo nông nghiệp Việt Nam