Lành Mạnh Hóa Thị Trường Phân Bón Để Tìm Đầu Ra
Tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng như hiện nay cùng với phân bón nhập khẩu đã khiến cho nhà sản xuất phân bón trong nước phải giảm công suất và "hoay hoay" tìm đầu ra cho sản phẩm.
Tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng như hiện nay cùng với phân bón nhập khẩu đã khiến cho nhà sản xuất phân bón trong nước phải giảm công suất và "hoay hoay" tìm đầu ra cho sản phẩm.
Theo Cục trưởng Cục Hóa Chất (Bộ Công Thương) Nguyễn Văn Thanh, nhu cầu tiêu thụ trong nước mỗi năm khoảng 11 triệu tấn phân bón các loại; trong đó, phân bón vô cơ chiếm hơn 80%, còn lại là phân hữu cơ và các loại phân bón khác.
Đặc biệt, ngành phân bón Việt Nam đang phát triển mạnh với trên 800 doanh nghiệp sản xuất, cơ bản đáp ứng được nhu cầu về phân đạm, phân lân, phân hỗn hợp NPK. Không những vậy, năng lực sản xuất phân đạm urê và NPK đang vượt cầu.
Tuy nhiên, những năm gần đây giá nông sản thấp, thời tiết, khí hậu không thuận lợi đã làm cho nhu cầu phân bón trong nước suy giảm mạnh.
Trong khi đó, áp lực cạnh tranh từ phân bón nhập khẩu khi nguồn cung thế giới tăng mạnh, giá giảm thấp cùng với việc thực hiện Luật 71/2014/QH13 về sửa đổi bổ sung một số điều của các luật thuế từ tháng 1/2015, khiến đội giá thành sản phẩm trong nước tạo thêm cơ hội cho phân bón nhập khẩu giá rẻ ồ ạt tràn vào.
Điều này khiến doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước phải giảm công suất, thậm chí có doanh nghiệp hoạt động chỉ đạt 20-30% công suất thiết kế.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam là nước nhập siêu phân bón trong 5 năm gần đây. Chỉ tính riêng năm 2015 tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng phân bón của Việt Nam đạt 793.000 tấn, trị giá 280 triệu USD, giảm 25,2% về lượng và trị giá so với năm 2014.
Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này trong năm qua lên tới hơn 4,5 triệu tấn, trị giá 1,42 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và 14,5% về trị giá so với năm 2014…
Mặt hàng phân bón trong nước không chỉ cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu mà còn phải đối mặt tình trạng sản xuất phân bón giả, kém chất lượng ngày càng phát triển tinh vi.
Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Hạc Thúy khẳng định, tình trạng này không chỉ phát triển ở các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ mà còn phát triển ở các đại lý kinh doanh phân bón và trong các phòng kiểm nghiệm, kiểm định.
Qua kiểm tra 11 trung tâm khảo nghiệm kiểm định thì 100% đơn vị đều vi phạm, cấp khống, cấp sai hàng chục nghìn mẫu phân bón cho hàng trăm doanh nghiệp. Điều này cho thấy có cả hệ thống lợi ích nhóm, bảo kê của các lực lượng thi hành công vụ tiếp tay cho gian thương, gây thiệt hại cho hàng loạt doanh nghiệp sản xuất, hàng chục triệu nông dân và nền nông nghiệp Việt Nam trong nhiều năm qua.
Ông Thúy cho rằng, chính sự quản lý chồng chéo giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương, cùng với chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
Ngoài ra, một bất cập lớn khác được Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoài cho hay, trên thị trường phân bón hiện nay có đến vài nghìn chủng loại, nhãn hiệu phân bón của hàng nghìn doanh nghiệp sản xuất trong nước và nước ngoài cung ứng khiến người nông dân rơi vào “ma trận”.
Do đó, khi lựa chọn mặt hàng này, người nông dân không thể nhớ và hiểu được tác dụng cũng như nhận biết được đâu là hàng sản xuất trong nước, đâu là hàng nhập khẩu, đâu là hàng thật, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Để lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ người tiêu dùng và tìm đầu ra cho mặt hàng phân bón, ông Thúy khẳng định, trước mắt cần dẹp được vấn nạn sản xuất kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng đang tràn lan trên thị trường như hiện nay bằng cách tổ chức tổng kiểm tra hệ thống sản xuất, kinh doanh phân bón trên toàn quốc.
Qua đó, cương quyết xóa sổ những đơn vị không đủ điều kiện quy định sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, tăng mức chế tài xử phạt đối với trung tâm kiểm nghiệm, kiểm định về phân bón cũng như cơ sở sản xuất, kinh doanh để lập lại thị trường, có đầu ra cho mặt hàng phân bón.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đề xuất tổ chức quản lý phân bón cấp nhà nước chỉ cần để một bộ quản lý, hoặc thành lập một ban chỉ đạo chuyên ngành giao cho một bộ làm đầu mối. Thậm chí có thể giao cho các sở, huyện, xã và người đứng đầu chịu trách nhiệm nếu để xảy ra hiện tượng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng tại địa phương mình quản lý.
Cùng với những giải pháp trên, ông Lê Quốc Phong, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền cho rằng, doanh nghiệp cũng cần tuyên truyền cho nông dân biết về tình hình buôn bán, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng; vận động nông dân mua phân bón theo hình thức trả chậm và ký hợp đồng với cơ sở kinh doanh hoặc thông qua hội nông dân để đảm bảo được quyền lợi cao nhất. Qua đó, từng bước đẩy lùi vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng để phân bón "sạch" có chỗ đứng trên thị trường.
Cùng với các giải pháp tiêu thụ trong nước, Cục trưởng Cục Hóa chất Nguyễn Văn Thanh cũng cho biết, các doanh nghiệp sản xuất phân bón vẫn tiếp tục duy trì thị trường truyền thống và tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới.
Bởi hiện nay, thị trường xuất khẩu phân bón Việt Nam chủ yếu là các nước thuộc khu vực Đông Nam Á. Trong đó, Campuchia là thị trường truyền thống và lớn nhất chiếm tỷ trọng 38% tổng lượng phân bón xuất khẩu; tiếp theo là các thị trường Hàn Quốc, Malaysia, Philipines chiếm tỷ trọng lần lượt khoảng 10%, còn lại là Thái Lan, Lào…
Về 11 trung tâm khảo nghiệm, kiểm định vi phạm các nghị định và thông tư về quản lý khảo nghiệm phân bón, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng vừa yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ xác minh làm rõ những vi phạm của 11 tổ chức này.
Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương tổng rà soát, thanh tra, kiểm tra các tổ chức chỉ định chứng nhận và thử nghiệm phân bón; chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ rà soát, thu hồi toàn bộ các giấy chứng nhận hợp quy phân bón đã cấp không đúng quy định và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong việc chỉ định tổ chức chứng nhận và thử nghiệm phân bón nhằm lành mạnh thị trường này./.
M2T- Phòng kinh doanh- Nguồn: Dap-Vinachem