Phát triển nông nghiệp bền vững, phòng chống thiên tai ở ĐBSCL
Ngày 27/9, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường sẽ chủ trì phiên họp “Nông nghiệp bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai và sạt lở”.
Ngày 27/9, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường sẽ chủ trì phiên họp “Nông nghiệp bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai và sạt lở”.
Trong hai ngày 26-27/9/2017, tại Thành phố Cần thơ diễn ra Hội nghị "Phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu" do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Tại Hội nghị đã diễn ra các phiên chuyên đề song song, phiên họp "Nông nghiệp bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai và sạt lở" do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chủ trì sẽ diễn ra vào ngày 27/9.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các cánh đồng mẫu, trồng các giống lúa mới của một trung tâm nghiên cứu nông nghiệp tại An Giang
Sau 42 năm giải phóng và gần 30 năm đổi mới, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có bước phát triển vượt bậc. Từ một vùng đất hoang sơ, nông nghiệp giản đơn chủ yếu là lúa nổi, ĐBSCL đã trở thành vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước, với những thành tựu nổi bật, góp phần phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo an ninh lương thực và giảm nghèo.
Những thành tựu trên xuất phát từ chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự vào cuộc của tất các các ngành, các cấp, sự sáng tạo của nhân dân và doanh nghiệp, và sự chung tay góp sức của cộng đồng quốc tế. Ngành nông nghiệp cũng đã có rất nhiều nỗ lực phát triển nông nghiệp bền vững, thích nghi với biến đổi khí hậu (BĐKH) đã được triển khai tại đồng bằng trên tất cả các lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi.
Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực nhưng ĐBSCL đang đối diện với những thách thức vô cùng to lớn: BĐKH, nước biển dâng đã, đang và sẽ làm gia tăng nguy cơ xâm nhập mặn, khí hậu cực đoan và thiên tai.
Đồng bằng Sông Cửu Long đã, đang và sẽ chịu ảnh hưởng rất của các hoạt động phát triển thượng nguồn, sự suy kiệt thảm thực vật, sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là nông nghiệp gây ra những nguy cơ về thay đổi chế độ thủy văn dẫn đến thiếu nước về mùa khô, giảm lượng phù sa, bùn cát, giảm đa dạng sinh học và nguồn cá tự nhiên, đẩy sớm và tăng cường độ xâm nhập mặn, sụt lún, sạt lở và các thiên tai. Việc phát triển dựa trên thâm canh nông nghiệp và khai thác tài nguyên như trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều điểm chưa bền vững.
Việc tập trung quá mức vào sản xuất lúa thâm canh 3 vụ/năm đã tác động nghiêm trọng đến không gian chứa lũ, dòng chảy lũ, nước ngầm, độ phì nhiêu của đất và môi trường. Phát triển thủy sản thiếu bền vững những năm trước đây cũng gây tổn hại nghiêm trọng đến rừng ngập mặn các vùng ven biển, làm gia tăng sạt lở và xâm nhập mặn. Phát triển cơ sở hạ tầng với quy mô lớn làm gia tăng lấn chiếm lòng, bờ kênh rạch, gây ô nhiễm môi trường nước. Gần đây, việc khai thác cát quá mức và sử dụng nước ngầm bừa bãi thiếu quy hoạch gây sụt lún và sạt lở bờ biển, giảm bùn cát bồi đắp.
Nếu không có quyết tâm và giải pháp phù hợp, ĐBSCL sẽ đối diện với nguy cơ suy giảm năng lực cạnh tranh, tụt hậu trong phát triển thậm chí đối diện với nguy cơ bị phá hủy hệ sinh thái, bất ổn về sinh kế và xáo trộn về xã hội. Các yếu tố bất lợi nhiều khả năng sẽ xuất hiện sớm hơn nhiều so với các kịch bản dự báo với cường độ ngày càng tăng và thời gian kéo dài cho tới lúc ổn định. Đồng thời có nguy cơ xuất hiện nhiều rủi ro thiên tai mới so với kịch bản BĐKH, làm gia tăng tính bất ổn định của ĐBSCL. Chẳng hạn như mức độ nhiễm mặn năm 2016 gần như tương đương với dự báo nhiễm mặn của ĐBSCL vào năm 2050 trong số nghiên cứu quốc tế.
Theo VTV