Thận Trọng Áp Dụng Biện Pháp Phòng Vệ Với Phân Bón
Theo Bộ Công Thương, phân bón nhập khẩu tăng và có dấu hiệu rõ về thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước. Tuy nhiên, cần thận trọng trong việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với phân ure và phân DAP nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, phân bón nhập khẩu tăng và có dấu hiệu rõ về thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước. Tuy nhiên, cần thận trọng trong việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với phân ure và phân DAP nhập khẩu vào Việt Nam.
Cục Quản lý cạnh tranh vừa có báo cáo gửi lãnh đạo Bộ Công Thương về khả năng áp dụng phòng vệ thương mại đối với mặt hàng phân ure và phân DAP nhập khẩu. Cơ quan này đã đưa ra những phân tích cụ thể đối với mặt hàng phân ure và phân DAP dựa trên số liệu từ Tổng cục Hải quan, thông tin từ phía doanh nghiệp cung cấp.
Hại cho sản xuất trong nước
Theo Cục Quản lý cạnh tranh, lượng nhập khẩu phân ure và phân DAP thời gian qua tăng đột biến, có dấu hiệu gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.
Cụ thể, lượng nhập khẩu phân ure trong 9 tháng đầu năm 2016 đạt 443.000 tấn, trị giá 103 triệu USD, tăng 60% về lượng và 16% về trị giá so với cùng kỳ năm 2015.
Với mặt hàng phân DAP, năm 2015 lượng nhập khẩu đạt 978.800 tấn, kim ngạch đạt gần 453 triệu USD, tăng 1,9% về lượng và tăng 2,2% về kim ngạch so với năm 2014. Đến năm 2016, tỷ lệ lượng nhập khẩu phân bón so với lượng sản xuất của các doanh nghiệp trong nước tăng từ 3,18 lần trong 7 tháng đầu năm 2015 lên 5,75 lần so với cùng kỳ năm 2016 (tăng 184,6%).
Không chỉ gia tăng về số lượng, Cục Quản lý cạnh tranh còn nhận thấy có dấu hiệu rõ ràng về thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước.
Hiện trong nước có 4 doanh nghiệp sản xuất phân ure gồm: 2 doanh nghiệp sản xuất từ khí không thuộc Vinachem là Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau với công suất mỗi doanh nghiệp là 800.000 tấn/năm; Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc công suất 480.000 tấn/năm, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình là 560.000 tấn/năm.
Đối với 2 công ty sản xuất ure từ khí, do giá bán (5.600 đồng/kg) vẫn lớn hơn giá sản xuất (4.500-4.800 đồng/kg) nên 2 doanh nghiệp này vẫn có lãi, song tỷ suất lợi nhuận đang giảm dần.
Đối với 2 công ty sản xuất phân ure từ than, giá thành sản xuất cao (Đạm Ninh BÌnh khoảng 10.000 đồng/kg, Đạm Hà Bắc khoảng 7.600 đồng/kg) nên 2 doanh nghiệp này đã phải chịu thiệt hại nặng nề khi không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu.
Đạm Ninh Bình hiện đã dừng sản xuất, còn Đạm Hà Bắc cũng phải tạm ngưng sản xuất trong tháng 8, 9 do tồn kho cao. Dự kiến, lượng sản xuất của Đạm Hà Bắc cả năm 2016 là hơn 230.000 tấn, đạt gần 50% công suất thiết kế.
Do lượng nhập khẩu tăng mạnh nên doanh nghiệp sản xuất phân DAP chịu thiệt hại đáng kể như: Lượng sản xuất của các công ty sản xuất phân bón DAP đã bắt đầu giảm từ năm 2013 và giảm sâu nhất vào năm 2016; liên tục phải giảm theo giá nhập khẩu và duy trì ở mức giá bán dưới giá thành sản xuất, thậm chí dưới cả chi phí biến đổi.
Việc canh tranh với hàng nhập khẩu khiến công ty phải điều chỉnh giảm 52,6% lượng sản xuất trong 7 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng tiêu thụ cũng giảm 40,7%, giá bán bình quân giảm tới 23,8% so với cùng kỳ năm 2015.
Thận trọng
Tuy nhiên, theo Cục Quản lý cạnh tranh, xét tổng thể ngành sản xuất phân ure có thể thấy, 2 doanh nghiệp sản xuất phân đạm từ than là đối tượng chịu thiệt hại chính do công nghệ sản xuất phân đạm từ than đã lỗi thời và xu hướng thế giới cũng dần chuyển sang sản xuắt phân đạm từ khí. Trong khi đó, 2 công ty sản xuất phân đạm từ than lại đang phải mua than với giá cao hơn giá thế giới.
Do vậy, không có căn cứ để xác định nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng là do hàng nhập khẩu. Bản thân các doanh nghiệp sản xuất phân ure cũng cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn là do bất họp lý trong chính sách thuế GTGT và việc phải mua than với giá cao hơn giá thị trường thế giới.
Với mặt hàng phân DAP, theo các số liệu phân tích sơ bộ có thể thấy ngoài khó khăn chung do chính sách thuế GTGT thì sự gia tăng đột biến về lượng và giá trị của hàng nhập khẩu cũng là nguyên nhân gây ra thiệt hại. Vì thế, ngành sản xuất trong nước đang chịu thiệt hại nghiêm trọng và sơ bộ có thể xác định nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng là do hàng nhập khẩu.
Bên cạnh đó, trong nước hiện tại chỉ có 2 doanh nghiệp sản xuất phân DAP nên nếu không có biện pháp khắc phục khó khăn cho 2 doanh nghiệp này thì sản xuất phân DAP sẽ khó tồn tại trước cạnh tranh của hàng nhập khẩu. Từ đó, có khả năng hàng Trung Quốc sẽ thống lĩnh thị trường và đẩy giá phân bón lên cao khiến các ngành sản xuất nông sản không tự chủ được về giá.
Tuy nhiên, với đề xuất điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (nếu có) sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nông dân và giá hàng nông sản nên cần thận trọng trong việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ đối với sản phẩm phân DAP.
Theo phân tích của Cục Quản lý cạnh tranh, hiện phân ure và phân DAP đang được sử dụng để bón cho cây trồng, giúp cho cây sinh trưởng. Việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại sẽ dẫn đến gia tăng chi phí đầu vào cho các ngành sản xuất nông nghiệp.
Thời gian qua, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã nhận được thông tin từ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và các công ty thuộc Tập đoàn như Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Công ty CP DAP Đình Vũ, Công ty CP DAP số 2 Lào Cai đề nghị Bộ Công Thương sớm khởi xướng điều tra và áp dụng biện pháp tự vệ với các mặt hàng phân ure và phân DAP nhập khẩu vào Việt Nam.
M2T- Nguồn: Dap Vinachem/Hải quan online