Chuyên gia: thị trường là trọng tâm của phát triển sản xuất nông nghiệp

1809

Nâng cao chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, giúp tăng thu nhập cho người nông dân là đòi hỏi cấp thiết trong bối cảnh ngành này đang gặp khó khăn. Thế nhưng, để đạt được mục tiêu, tiến trình chuyển đổi hướng phát triển của ngành cần dựa trên nhu cầu thực tế của thị trường.


                                                      

Muốn sản xuất phải nắm được nhu cầu thị trường cần cái gì. Trong ảnh là nông dân ĐBSCL đang thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp. Ảnh: Trung Chánh

Trao đổi với Thời báo kinh tế Sài Gòn Online bên lề buổi tọa đàm “Phát triển bền vững nông nghiệp - nông thôn - nông dân” tổ chức hôm qua 12-9 tại Đồng Tháp, GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường đại học Nam Cần Thơ - một chuyên gia ngành nông nghiệp Việt Nam, cho rằng cần lấy thị trường làm trọng tâm để điều chính sản xuất, “tức biết nhu cầu thị trường cần loại mặt hàng gì, chất lượng ra sao..., chúng ta mới tổ chức sản xuất để đáp ứng”, ông cho biết.

Cụ thể, theo ông Xuân, đối với ngành lúa gạo, sau khi có hợp đồng, tức có thị trường, doanh nghiệp sẽ liên kết sản xuất với người nông dân để tạo ra sản phẩm đáp ứng đúng yêu cầu về chủng loại, chất lượng của thị trường.

Tuy nhiên, cũng theo ông Xuân, có hai vấn đề quan trọng quyết định đến thành công nói trên là sự mạnh dạn tham gia của doanh nghiệp và bàn tay giúp sức của Nhà nước. “Đối với những doanh nghiệp chưa có đầu ra, nếu được Nhà nước giúp một cách thật sự để họ tìm thị trường, mở thị trường cho một sản phẩm mới nào đó, thì tôi tin chắc họ sẽ làm được”, ông Xuân cho biết.

Trong khi đó, về mặt tổ chức sản xuất, một số đại biểu tham dự tại buổi tọa đàm cho rằng cần có chính sách khuyến khích bà con nông dân liên kết, hình thành những hợp tác xã/tổ hợp tác để sản xuất, đáp ứng đơn đặt hàng của doanh nghiệp theo quy trình GAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt).

“Tuy nhiên, muốn tạo được sản phẩm đạt chất lượng tốt cần phải có những thiết bị công nghệ sau thu hoạch hiện đại hỗ trợ”, ông Nguyễn Thể Hà, chuyên viên tư vấn và đầu tư Công ty TNHH cơ khí nông nghiệp Bùi Văn Ngọ cho biết.

Do đó, theo ông Hà, ngoài tìm kiếm thị trường, hợp tác liên kết với nông dân, doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ sau thu hoạch.

Tuy nhiên, để hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng, hướng đến tận dụng triệt để sản phẩm từ cây lúa, nhất thiết phải hình thành khu công nghiệp lúa gạo.

Theo ông Xuân, qua mô hình khu công nghiệp lúa gạo: cây lúa sau khi thu hoạch sẽ thu được sản phẩm chính là hạt lúa và sản phẩm phụ là rơm rạ. Sau khi phơi sấy, hạt lúa được chuyển qua xay xát sẽ cho ra trấu  và gạo lứt. Từ trấu sẽ được chế biến thành củi trấu cung cấp cho nhà máy nhiệt điện và gạo lứt sẽ đem đi đánh bóng, cho ra gạo trắng phục vụ cho thị trường và cám. Sau đó, cám sẽ được chế biến thành dầu cám phục vụ sử dụng trong nước hoặc xuất khẩu và cám sơ.

Trong khi đó, rơm rạ một mặt được sử dụng để chăn nuôi trâu, bò tạo ra thịt cung cấp cho thị trường và phân chuồng (phân trâu, bò) dùng để sản xuất biogas; hoặc sử dụng rơm rạ để sản xuất nấm rơm cung cấp cho thị trường dưới dạng tươi hay đóng lon.

Theo ông Xuân, cách làm tương tự như trên, có thể áp dụng đối với ngành sản xuất cây ăn trái, chế biến thủy sản…

Rõ ràng, với việc hình thành khu công nghiệp lúa gạo, sản phẩm giá trị gia tăng được tạo ra từ cây lúa là rất lớn, chẳng những giúp tăng thu nhập cho doanh nghiệp, nông dân, mà còn tạo việc làm cho người lao động, thức đẩy phát triển kinh tế đất nước.