Nâng cao giá trị hạt gạo: Đặt hàng cho nông dân trồng lúa

2205

Nâng cao giá trị hạt gạo: Đặt hàng cho nông dân trồng lúa

 

Trong một hội nghị diễn ra mới đây liên quan đến vấn đề tiêu thụ nông sản được tổ chức tại Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đưa ra một thông điệp, đó là thay vì trồng lúa bán 430 USD/tấn gạo, thời gian tới cần hướng đến sản xuất lúa chất lượng cao bán với giá 600 USD/tấn hoặc 900 USD/tấn gạo. Nếu điều đó trở thành hiện thực thì sẽ là niềm vui lớn của người nông dân.

                                                    

  Doanh nghiệp đặt hàng cho nông dân, góp phần nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam - Ảnh: Hoàng Long 

Quyết tâm của vị Bộ trưởng

"Muốn phát triển nông nghiệp bền vững phải lấy vai trò của người nông dân làm gốc, không để họ tự bơi một mình, họ phải làm giàu được từ cây lúa. Nhà nước nên phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Trong đó, nông dân cần được thành lập thành vùng sản xuất với những hợp tác xã nông nghiệp, các hợp tác xã công lại hình thành cánh đồng mẫu lớn. Và, doanh nghiệp chính là lực lượng chủ lực để cùng hợp tác xã đồng hành với nông dân” - GS.TS Võ Tòng Xuân.

Nâng cao giá trị hạt gạo, đó có lẽ là mong muốn của không chỉ người nông dân mà của bất cứ một người làm ngành nông nghiệp. Chẳng ai muốn ở một đất nước có nền kinh tế nông nghiệp làm trụ đỡ mà hạt gạo xuất khẩu đi lại thua thiệt hơn nước bạn, giá cả bị ép xuống thấp, thậm chí gạo của mình mà lại không phải gắn thương hiệu của mình. Dù không muốn, song thực tế này cũng đã và đang xảy ra. 

Tại hội nghị bàn giải pháp tiêu thụ nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã bày tỏ lo lắng khi thấy giá trị hạt gạo xuất khẩu quá thấp. Thông điệp của vị Bộ trưởng là: "Thay vì trồng lúa bán 430 USD/tấn gạo thì thời gian tới cần hướng đến sản xuất lúa chất lượng cao bán với giá 600 USD/tấn hoặc 900 USD/tấn gạo”. Muốn được như vậy, Bộ trưởng  Cao Đức Phát lưu ý, DN phải liên kết với nông dân, xem thị trường cần gạo như thế nào rồi về đặt hàng nông dân trồng.

"Tôi đề nghị các đồng chí lựa chọn bộ giống. Hai năm qua chúng ta đã tìm ra con đường doanh nghiệp liên kết nông dân nên trong đề án tái cơ cấu phải vừa lựa chọn cơ cấu cây trồng, vừa cơ cấu giống. Và muốn thành công phải liên kết. Đề nghị Tổng Công ty Lương thực Miền Nam chỉ đạo tất cả công ty thành viên bắt buộc làm vụ đông xuân này phải có cánh đồng mẫu lớn ở các địa phương”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.

Và để thực hiện quyết tâm nâng cao giá trị hạt gạo xuất khẩu như thông điệp đưa ra tại hội nghị này, mới đây nhất, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã phê duyệt quyết định về việc thành lập Ban chỉ đạo chương trình trọng điểm nghiên cứu lúa gạo quốc gia đến năm 2020. Cụ thể, Ban chỉ đạo chương trình này sẽ do một Thứ trưởng Bộ NNPTNT làm trưởng ban, đồng thời bao gồm các đơn vị liên quan như Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường; Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam; Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn… cùng các đơn vị Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lương thực miền Nam.

 

                                               

                                   Muốn giá trị gạo xuất khẩu Việt Nam tăng cao, phải đổi mới giống lúa

Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo chương trình trọng điểm nghiên cứu lúa gạo quốc gia đến năm 2020 sẽ tập trung vào việc xây dựng chương trình trọng điểm nghiên cứu lúa gạo quốc gia theo hướng đạt được mục tiêu, chất lượng cao, năng suất cao. Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng yêu cầu Ban chỉ đạo cần tổ chức và chỉ đạo thực hiện chương trình nghiên cứu trọng điểm đạt kết quả tốt, phối hợp với các cơ quan có chức năng thẩm định, duyệt và phân bổ kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho chương trình nghiên cứu trọng điểm lúa gạo quốc gia.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo sẽ đóng vai trò chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan, kiểm tra, đánh giá và nghiệm thu kết quả của chương trình trọng điểm lúa gạo quốc gia đến năm 2020. Mặt khác, Ban chỉ đạo cần xây dựng các chính sách, chế độ, biện pháp cụ thể đảm bảo thực hiện chương trình trọng điểm nghiên cứu lúa gạo quốc gia theo định kỳ 6 tháng hoặc đột xuất theo yêu cầu báo cáo của Bộ trưởng đồng thời tổng hợp, đề xuất Bộ trưởng xem xét, sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung nội dung của chương trình khi cần thiết.

Việc thành lập Ban chỉ đạo chương trình trọng điểm nghiên cứu lúa gạo quốc gia thể hiện quyết tâm cao độ của lãnh đạo Bộ NN&PTNT, với mục đích nâng cao chất lượng, giá trị cho hạt gạo Việt Nam. Và nếu như mục tiêu giá gạo xuất khẩu được nâng lên 900 USD/tấn như thông điệp mà Bộ trưởng Cao Đức Phát đưa ra, đó thực sự là niềm mong mỏi lâu nay của hàng triệu hộ nông dân trên cả nước.

 

                                  

Cần sự chung tay của doanh nghiệp

Tuy nhiên, song song với sự quyết tâm này, giới chuyên gia trong ngành cho rằng, bản thân các DN cần phải có sự thay đổi về phương thức hoạt động, hay nói cách khác vấn đề tái cấu trúc DN cần phải được chú trọng. Đơn cử như hai tổng công ty lương thực lớn nhất cả nước: Tổng công ty Vinafood 1, Vinafood 2, đây là 2 DN lớn nắm hết thị phần xuất khẩu gạo của Việt Nam. Nhưng, theo nhận định của giới chuyên gia, thời gian qua vai trò của hai công ty này trong việc định hướng thị trường cho nông dân rất mờ nhạt, hầu như không có. Ngược lại, những DN này lại đang hoạt động theo theo cơ chế độc quyền, họ độc quyền trong thu mua và xuất khẩu lúa gạo, đồng thời là độc quyền của doanh nghiệp nhà nước, trở thành rào cản các DN tư nhân tham gia vào thị trường lúa gạo Việt Nam. Ý kiến chung cho rằng, đáng lẽ những DN lớn, đầu tàu phải đóng vai trò tìm kiếm thị trường, định hướng để tư vấn giúp nông dân trồng loại lúa gì để từ đó tạo một mối liên kết chặt chẽ với nông dân, thì ngược lại, họ lại chính là những đối tượng ép giá nông dân, làm giảm sức cạnh tranh của hạt gạo Việt. Và nếu như thực tế này không được cải thiện, e là mục tiêu nâng giá gạo đạt tới 900 USD/tấn của người đứng đầu ngành nông nghiệp sẽ quá xa vời.

Theo Báo Đại Đoàn Kết