"3 nhà" ở Quảng Bình liên kết trồng lúa hữu cơ trên một cánh đồng "không dấu chân"
Trên cánh đồng ở xã Xuân Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đang triển khai tích tụ ruộng đất, "nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà nước" liên kết trồng lúa theo hướng hữu cơ và áp dụng đồng bộ cơ giới hóa. Nông dân từ "chân lấm, tay bùn" nay máy cày, máy bay không người lái "ôm" hết việc.
Cánh đồng "không dấu chân"
Ngày hửng nắng, phóng viên Dân Việt tới cánh đồng ở xã Xuân Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình). Từ xa, phóng viên đã nhìn thấy máy bay không người lái lượn vòng quanh ruộng, tiếng ồn từ động cơ khiến râm ran cả một vùng.
Người dân nơi đây hôm nay cũng hiếu kỳ, đông bà con đứng quanh ruộng để xem máy bay gieo sạ, bón phân, có người còn đưa điện thoại ra chụp hình, phát trực tiếp lên mạng xã hội để giới thiệu về mô hình.
Nông dân Trần Duy Khánh (ở xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), đứng bên mép ruộng, chia sẻ: "Được sự đồng hành, hỗ trợ từ chính quyền địa phương, tôi thuê 22ha đất từ những mảnh ruộng nhỏ lẻ của nông dân trên địa bàn.
Có tư liệu sản xuất trong tay, tôi liên kết với Tổng Công ty Sông Gianh cùng Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình để làm lúa hữu cơ.
Hiện chúng tôi đang bắt tay vào gieo trồng vụ đông – xuân với giống lúa Hương Bình, quá trình làm, Tổng Công ty Sông Gianh hỗ trợ giống, phân bón trả chậm, cán bộ kỹ thuật của đơn vị này cũng như của Trung tâm luôn túc trực tại ruộng để hướng dẫn sản xuất".
Nông dân Trần Duy Khánh (ở xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) bên mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ ứng dụng cơ giới hóa gắn với bao tiêu sản phẩm. Ảnh: Trung Thuần
Tại cánh đồng "không dấu chân", từ việc làm đất rồi gieo sạ, bón phân đều được máy cày, máy bay không người lái thực hiện. Ảnh: Trung Thuần
"Với ruộng rộng 22ha, tôi chỉ thuê 3 nông dân trên địa bàn phụ giúp gieo trồng với công 300.000 đồng/ngày, còn lại mọi việc đều có máy móc làm. Sau khi máy cày làm đất xong, máy bay không người lái của Tổng Công ty Sông Gianh cất cánh trên cánh đồng để bón phân, gieo sạ.
Chỉ riêng ứng dụng máy bay không người lái đã giúp tôi tiết kiệm 20% chi phí, tốc độ làm việc của máy bay thay thế cho 30 nhân công lao động.
Bên cạnh đó, khi dùng máy bay không người lái sạ lúa với kỹ thuật sạ thưa và đều giúp tiết kiệm lúa giống, cây lúa giảm đổ ngã, trồng lúa được thu hoạch nhanh đồng loạt tăng chất lượng gạo…", nông dân Khánh vui vẻ nói.
Tích tụ ruộng đất
Tiến tới trò chuyện với phóng viên, ông Hoàng Xuân Sự - Chủ nhiệm HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Lai (xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), cho biết: "Cánh đồng của bà con trên địa bàn thuộc vùng chân trũng, trước đây, năng suất lúa canh tác ở diện tích này rất thấp.
Trong khi giá vật tư nông nghiệp và các chi phí khác lại tăng, tính ra, có vụ nông dân chẳng có lãi. Để tập trung ruộng đất, chống manh mún, việc đẩy mạnh công tác "dồn điền, đổi thửa" đã được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm, chỉ đạo thực hiện.
Chúng tôi đã đến từng hộ vận động, giải thích, tuyên truyền để người dân nhận thức được lợi ích từ tích tụ ruộng đất, đặc biệt, ai là cán bộ đều gương mẫu thực hiện trước và rồi cho anh Trần Duy Khánh thuê với giá 1 tấn thóc/1ha, anh Khánh còn thuê lại chính những nông dân cho thuê ruộng tới phụ giúp làm ruộng với giá 300.000 đồng/ngày".
Các kỹ thuật của Tổng Công ty Sông Gianh đổ phân vào khoang chứa của máy bay không người lái để bay rải trên ruộng. Ảnh: Trung Thuần
"Có mặt tại ruộng của anh Khánh, tôi ngỡ ngàng với việc cơ giới hóa trong sản xuất của nông dân này. Từ cày ruộng, bón phân, gieo sạ, phun thuốc máy móc ôm hết việc, còn rút ngắn thời gian sản xuất. Tôi tin rằng, cuối vụ này, cánh đồng liên kết sản xuất lúa hữu cơ của nông dân Khánh sẽ được mùa vàng, trĩu hạt', ông Hoàng Xuân Sự - Chủ nhiệm HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Lai, cho hay.
Ông Nguyễn Văn Đề - Bí thư Đảng ủy xã Xuân Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), chia sẻ: "Lần đầu tiên trên địa bàn có một người dám đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa với diện tích lớn và sản xuất theo hướng hữu cơ rồi cơ giới hóa trên đồng ruộng".
Theo Bí thư Đảng ủy xã Xuân Thủy Nguyễn Văn Đề, hiện nay người dân trên địa bàn không mặn mà với việc làm ruộng, việc này có nhiều lý do, như: làm ruộng manh mún, vất vả, không hiệu quả, nhiều rủi ro do mưa, lũ… nhiều người chuyển đổi nghề mang lại thu nhập cao như đi phụ hồ, bốc vác.
"Hiệu quả sản xuất thấp, có hộ không còn thiết tha với đồng ruộng, sẵn sàng cho cấy, cho mượn ruộng… nhưng khi địa phương đặt vấn đề theo hướng tích tụ ruộng đất, nhiều bà con lại không đồng ý. Lý do là bởi người dân có tư tưởng lo lắng, sợ mất đất, không muốn cho thuê lâu dài.
Chính quyền địa phương cùng người dân tới xem máy bay không người lái gieo sạ, bón phân trên cánh đồng. Ảnh: Trung Thuần
Để thuyết phục được người dân, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, chính quyền địa phương trực tiếp tổ chức nhiều buổi họp dân, lắng nghe ý kiến, trả lời, giải đáp những băn khoăn, vướng mắc của bà con. Cuối cùng, có hơn 100 hộ cho nông dân Trần Duy Khánh thuê tổng là 22ha, mỗi vụ trả 1 tấn thóc/ha để sản xuất lúa hữu cơ tập trung", ông Nguyễn Văn Đề bày tỏ.
Ứng dụng cơ giới hóa trên cánh đồng "không dấu chân" ở xã Xuân Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình). Ảnh: Trung Thuần
Bí thư Đảng ủy xã Xuân Thủy Nguyễn Văn Đề, cho biết: "Từ việc tích tụ ruộng đất hình thành nên vùng sản xuất lớn, tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho việc cơ giới hóa đồng bộ trên đồng ruộng. Từ đó, tháo gỡ được khó khăn về tình trạng thiếu lao động, giảm chi phí vật tư nông nghiệp, nâng cao nhận thức của người dân trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Những diện tích nhỏ lẻ, khó canh tác, hiệu quả kinh tế thấp… nhờ tích tụ sẽ nâng cao năng suất, hiệu quả cây trồng".
Đồng hành cùng người nông dân
Trò chuyện với PV, ông Cao Ngọc Anh – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tổng Công ty Sông Gianh, chia sẻ: "Vụ đông – xuân năm nay, đơn vị liên kết với nông dân Trần Duy Khánh sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ ứng dụng cơ giới hóa gắn với bao tiêu sản phẩm.
Tổng Công ty Sông Gianh cung ứng toàn bộ giống, phân bón và các vật tư, máy móc để đảm bảo cho quá trình sản xuất khép kín. Điều đặc biệt, đây là mô hình đầu tiên ở miền Trung áp dụng cơ giới hóa, sản xuất khép kín, từ làm đất tới rải phân, gieo sạ, thu hoạch đều có máy móc làm hết việc. Cuối vụ, đơn vị cam kết thu mua sản phẩm với giá bằng hoặc cao hơn thị trường".
"Hiện nay, hoạt động liên kết sản xuất nông nghiệp hiện đang là xu thế của Đảng và Nhà nước chỉ đạo triển khai, khuyến khích. Công ty Sông Gianh không chỉ uy tín mà chọn người uy tín để liên kết rồi đồng hành, phát huy thế mạnh nội lực của nhau.
Mong rằng, các cấp chính quyền tiếp tục vào cuộc vận động nông dân nhân rộng mô hình này, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn để mang lại hiệu quả cao", ông Cao Ngọc Anh khẳng định.
Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ ứng dụng cơ giới hóa gắn với bao tiêu sản phẩm hứa hẹn sẽ mang lại giá trị cao trong việc trồng lúa. Ảnh: Trung Thuần
Ông Lê Thuận Trung – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình, cho biết: "Với phương châm 'ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông', đơn vị đã triển khai nhiều chương trình, hỗ trợ nông dân trên địa bàn Quảng Bình sản xuất lúa. Đáng chú ý, tại 22ha ruộng của anh Trần Duy Khánh, đơn vị đã liên kết cùng 3 nhà "nhà nông - nhà doanh nghiệp – nhà nước" để sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, áp dụng cơ giới hóa trên cánh đồng mẫu lớn, từ đó, góp phần vào phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân".
Nguồn: Theo báo Dân Việt