Liên kết 4 nhà, cánh đồng không dấu chân: Bí quyết thành công Tổng Công ty sông Gianh
Những năm qua, Công ty Cổ phần Tổng công ty Sông Gianh (Tổng công ty Sông Gianh) đã liên kết với "nhà nông – nhà khoa học - nhà nước" triển khai sản xuất, bao tiêu sản phẩm lúa hữu cơ ở nhiều địa phương trên toàn quốc, mang lại hiệu quả cao cho nông dân.
Đồng hành cùng nhà nông
Tính đến nay đã là vụ thứ 8, Tổng công ty Sông Gianh thực hiện liên kết sản xuất và kinh doanh lúa gạo hữu cơ với bà con nông dân thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình).
Vụ mùa đầu tiên vào năm 2021, Tổng công ty Sông Gianh thực hiện dự án liên kết kinh doanh lúa - gạo hữu cơ ST25 tại thôn Tiên Phan (xã Quảng Tiên, thị xã Ba Đồn) với diện tích 26 ha.
Để thực hiện mô hình liên kết sản xuất lúa, Tổng công ty Sông Gianh cung ứng vật tư nông nghiệp (phân bón, giống), đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất và bao tiêu toàn bộ sản phẩm (lúa tươi, mua tại đồng) cho bà con nông dân.
Nông dân tin dùng phân bón hữu cơ Sông Gianh để gieo trồng vụ lúa mới vừa bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho nông dân và nâng cao chuỗi giá trị sản xuất theo hướng an toàn, bền vững.
Bên cạnh đó, công ty còn đưa sản phẩm mới "Phân bón hữu cơ sông Gianh" vào canh tác. Sản phẩm này được làm từ nguồn nguyên liệu hữu cơ tự nhiên có hàm lượng hữu cơ cao, cùng với đạm hữu cơ và các axit amin, là sản phẩm phù hợp để sản xuất lúa hữu cơ.
Qua triển khai, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, chống chịu sâu bệnh khá, năng suất đạt 70 tạ/ha.
Sau thành công của vụ mùa đó, Tổng công ty Sông Gianh mở rộng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm lúa hữu cơ với nông dân nhiều xã lân cận.
Qua các vụ mùa, cây lúa đều phát triển tốt, cho trĩu hạt, nông dân nơi này rất phấn khởi. Tổng công ty Sông Gianh còn thu mua toàn bộ lúa tươi cho bà con nông dân.
Ông Nguyễn Ngọc Trương - Phụ trách nông nghiệp thôn Tiên Phan (xã Quảng Tiên, Tx. Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) bên ruộng lúa Hương Bình sử dụng phân bón hữu cơ Sông Gianh.
Ông Nguyễn Ngọc Trương - Phụ trách nông nghiệp thôn Tiên Phan (xã Quảng Tiên, Tx. Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ: "Tham gia chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh lúa hữu cơ với Tổng công ty Sông Gianh tôi được cung ứng phân bón, giống và không lo đầu ra. Tôi từng tham dự tập huấn chuyển giao sản xuất Quy trình hữu cơ của Tổng công ty Sông Gianh và phần nào nắm bắt được lối canh tác này. Ban đầu chúng tôi có bỡ ngỡ nhưng được cán bộ kỹ thuật của công ty "bắt tay, chỉ việc" nên bà con cũng quen dần. Đến nay, đã là vụ thứ 8 chúng tôi sản xuất lúa hữu cơ, từ giống lúa ST25, tới giống lúa Hương Bình, lúa sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao".
Hiện, Tổng công ty Sông Gianh đã xây dựng thành công thương hiệu "Gạo hữu cơ Sông Gianh" từ sản phẩm lúa sản xuất hữu cơ theo quy trình của Tổng công ty tại thôn Tiên Phan (xã Quảng Tiên). Sản phẩm đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Việc xây dựng thành công mô hình mở ra hướng liên kết mới, chặt chẽ trong sản xuất nông nghiệp, gắn được quyền lợi nhà nông và doanh nghiệp một cách hài hòa, bền vững.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp, nông dân ở tỉnh Quảng Nam đánh giá cao phân bón hữu cơ Sông Gianh khi sử dụng vào canh tác trên ruộng lúa ở tỉnh này.
Tiếp nối thành công đó, Tổng Công ty Sông Gianh mở rộng địa bàn, thực hiện liên kết sản xuất lúa, kinh doanh lúa hữu cơ với nông dân, hợp tác xã cùng chính quyền các địa phương trên địa bàn các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Ninh Bình với diện tích hàng nghìn ha và đã gặt hái thành công trong những vụ mùa vừa qua.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng thăm mô hình liên sản xuất, bao tiêu sản phẩm giống lúa sử dụng phân bón hữu cơ Sông Gianh ở xã Triệu Đô (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị).
Ông Đặng Vũ Thái - Giám đốc Nhà máy Sản xuất giống cây trồng - Tổng Công ty Sông Gianh, cho biết: "Trong nhiều năm qua, đơn vị đã thực hiện liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với nông dân trong và ngoài tỉnh. Định hướng của Tổng Công ty Sông Gianh là tiếp tục mở rộng, nhân rộng diện tích sản xuất lúa Hương Bình để thu mua, chế biến gạo xuất khẩu. Ngoài ra, các giống khác sẽ chế biến thành sản phẩm cao cấp cung cấp cho thị trường trong nước. Tổng công ty Sông Gianh luôn xác định chiến lược sản xuất, kinh doanh đó là doanh nghiệp không chỉ vì lợi ích của mình mà còn vì lợi ích của người sản xuất, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường sinh thái".
Hướng đến cánh đồng không dấu chân
Trong vụ đông xuân 2024, Tổng Công ty Sông Gianh đã liên kết với nông dân Trần Duy Khánh (ở xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) cùng Trung tâm khuyến nông khuyến ngư tỉnh Quảng Bình thực hiện mô hình sản xuất lúa chất lượng cao ứng dụng cơ giới hóa gắn với bao tiêu sản phẩm trên diện tích 22ha.
Công ty Cổ phần Tổng công ty Sông Gianh áp dụng máy bay không người lái để gieo sạ, bón phân trên "cánh đồng không dấu chân" ở huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình).
Với ruộng lúa rộng 22ha, ông Trần Duy Khánh chỉ thuê 3 nông dân trên địa bàn để phụ giúp gieo trồng với công 300.000 đồng/ngày, còn lại mọi việc đều có máy móc làm. Sau khi máy cày làm đất xong, máy bay không người lái của Tổng Công ty Sông Gianh cất cánh trên cánh đồng để bón phân, gieo sạ.
Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình cùng chính quyền xã Xuân Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) và người dân địa phương đánh giá cao hiệu quả khi dùng máy bay không người lái để gieo sạ, bón phân trên "cánh đồng không dấu chân".
"Chỉ riêng ứng dụng máy bay không người lái đã giúp tôi tiết kiệm 20% chi phí, tốc độ làm việc của máy bay thay thế cho 50 nhân công lao động, với diện tích 22 ha máy bay chỉ thực hiện trong 1 ngày đã hoàn tất các công đoạn bón phân và gieo giống. Bên cạnh đó, khi dùng máy bay không người lái sạ lúa với kỹ thuật sạ thưa và đều giúp tiết kiệm lúa giống. Cây lúa sau đó sinh trưởng và phát triển tốt, cuối vụ lúa cho trĩu hạt và công ty tới thu mua ngay tại ruộng", nông dân Trần Duy Khánh chia sẻ.
Trên "cánh đồng không dấu chân" dùng máy không người lái lúa vươn mầm xanh đều, đẹp.
Tiếp nối thành công trong việc thực hiện mô hình nông nghiệp không dấu chân ở huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình), vụ hè – thu 2024, Tổng Công ty Sông Gianh liên kết với UBND thị xã Ba Đồn, UBND xã Quảng Tiên cùng nông dân ở xã này thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp không dấu chân trên cánh đồng 4,5 ha. Đến cuối vụ, lúa trên cánh đồng này cho năng suất cao, đạt 75 tạ/ha.
Ông Hoàng Văn Thắng – Bí thư Chi bộ thôn Tiên Sơn, xã Quảng Tiên (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) vui mừng khi lúa ở "cánh đồng không dấu chân" cho năng suất cao.
"Vụ hè thu 2024, tôi liên kết với Tổng Công ty Sông Gianh ứng dụng cơ giới hóa để làm 3 sào 10 bằng giống lúa Hương Bình. Đến khi gặt, nhìn lúa trĩu hạt tôi mừng lắm, năng suất ước đạt 75 tạ/ha, phía công ty còn tới thu mua tận ruộng với giá khá cao", nông dân Hoàng Văn Hòa (ở thôn Tiên Sơn, xã Quảng Tiên, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) phấn khởi nói.
Ông Hoàng Văn Ngừng – Bí thư Đảng ủy xã Quảng Tiên (TX. Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) cho biết: "Trong 3 năm qua, địa phương đã liên kết sản xuất lúa hữu cơ với Tổng Công ty Sông Gianh. Đặc biệt, sản xuất giống lúa Hương Bình chất lượng cao tại địa bàn 2 thôn: Tiên Phan, Tiên Sơn. So với việc sản xuất lúa thường, năng suất, chất lượng lúa gạo cao hơn và được công ty thu mua với giá cao ngay tại chân ruộng".
Giống lúa Hương Bình trên "cánh đồng không dấu chân" ở thôn Tiên Sơn (xã Quảng Tiên, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) trĩu hạt, cho năng suất cao.
"Hiện chúng tôi đang liên kết với Tổng công ty Sông Gianh xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp không dấu chân ở thôn Tiên Sơn trên diện tích gần 5ha. Quá trình làm đã giúp nông dân rút ngắn thời gian gieo trồng, an toàn cho bản thân và bớt vất vả hơn khi có máy bay không người lái ôm hết việc. Cuối vụ, năng suất lúa đạt như kỳ vọng và sẽ tiếp tục liên kết với Tổng Công ty Sông Gianh để nhân rộng mô hình này", Ông Hoàng Văn Ngừng – Bí thư Đảng ủy xã Quảng Tiên (TX. Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình), chia sẻ.
Trên "cánh đồng không dấu chân" ở thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, nông dân gặt lúa đạt 75 tạ/ha, bán ngay tại ruộng, giá cao.
Ông Cao Ngọc Anh – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tổng Công ty Sông Gianh, cho biết: "Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục thực hiện chuỗi liên kết sản xuất áp dụng máy bay không người lái vào sản xuất nông nghiệp tại thị xã Ba Đồn, đây là một vùng nguyên liệu của Tổng Công ty Sông Gianh trong thực hiện liên kết và chúng tôi hướng đến áp dụng máy bay vào sản xuất để giảm công sức cho người nông dân, hướng đến sản xuất hàng hoá, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích".
"Hiện nay, hoạt động liên kết sản xuất nông nghiệp hiện đang là xu thế của Đảng và Nhà nước chỉ đạo triển khai, khuyến khích. Tổng công ty Sông Gianh đã tiên phong đi đầu trong việc đầu tư máy móc hiện đại áp dụng vào sản xuất để giảm sức người cho nông dân. Tiến tới áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh. Tổng công ty Sông Gianh mong rằng, các cấp chính quyền tiếp tục vào cuộc vận động nông dân nhân rộng mô hình này, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn để mang lại hiệu quả cao", ông Cao Ngọc Anh thông tin.
Sau khi thu hoạch, đóng vào bao, Tổng công ty Sông Gianh tới tận ruộng thu mua lúa tươi cho bà con nông dân.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Khánh - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình), cho hay: "Thực hiện Chương trình hành động số 04 của thị ủy Ba Đồn về sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020 – 2025, trong thời gian qua, phòng Kinh tế đã tham mưu cho UBND thị xã Ba Đồn triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện có hiệu quả theo nghị quyết đề ra.
Cụ thể, phòng Kinh tế đã phối hợp với Tổng công ty Sông Gianh, UBND các xã, phường, trong đó xã Quảng Tiên được chọn làm thí điểm đầu tiên. Từ chỗ 7,6 ha vụ hè – thu năm 2021, lên đến 800 ha năm 2023 và năm 2024 vượt trên 850 ha. Năng suất trong chuỗi liên kết có hiệu quả rõ rệt, luôn đạt 65 – 70 tạ/ha, công ty này cũng tập trung mua lúa tươi ngay tại chân ruộng cho bà con nông dân".
"Có thể nói rằng, Tổng công ty Sông Gianh đã trở thành doanh nghiệp đầu tàu, gương mẫu trong việc phối hợp với chính quyền địa phương để cùng với người dân thực hiện các chuỗi liên kết. Đặc biệt, vụ hè – thu 2024, phòng Kinh tế tích cực tham mưu, phối hợp với Tổng Công ty Sông Gianh, UBND xã Quảng Tiên thực hiện mô hình nông nghiệp không dấu chân ở thôn Tiên Sơn với diện tích gần 5ha. Đây là bước đầu đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Mong muốn, thời gian tới, Tổng công ty Sông Gianh sẽ nhân rộng mô hình, tiếp tục mở rộng vùng sản xuất ở các địa phương khác trên địa bàn", ông Nguyễn Văn Khánh chia sẻ.
Nguồn: Theo báo Dân Việt